WELCOME TO BLOGGER VQGĐC

THÂN CHÀO QUÝ BẠN
CLICK HERE TO OPEN

Tất cả hình ảnh, những hoạt động cùng cơ sở Định Chuẩn rồi cũng cùng với thời gian rơi vào khoảng không
Nếu còn gì rớt lại chỉ là những tình cảm của những con người đã một thời làm việc chung dưới một mái nhà
mà nay đả tản mác khắp bốn phương trời
Ninh Vũ / Phòng Thí Nghiệm VQGĐC

Monday, January 10, 2011

TÌM ĐƯỢC NHAU SAU 30 NĂM THẤT LẠC-VQGĐC VIẾT


**********************************


Ghi chép trên cung đường thiên lý .

Trong một chuyến xuôi dòng trên kinh Bằng Lăng, cảnh sông nước bình dị và quen thuộc nhưng làm tôi chú ý đến hai chữ ‘bằng lăng’ và cũng hai chữ ‘bằng lăng’ này làm tôi mới chợt nhớ về Mỹ Tho. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Mỹ Tho được coi là điểm ảnh hưởng cuối cùng của một dòng ngôn ngữ xưa của dân tộc Châu Mạ – vào thời mở đất phương Nam . Người Mạ nói tiếng gốc Môn-Khmer . Qua các tỉnh miền tây ít thấy ai nói đến cây ‘ bằng lăng’ mà chỉ nói cây ‘thau lau’ theo cách nói của người Khmer.

Mỹ Tho được biết nhiều hơn từ khi Dương Ngạn Địch dẫn đầu nhóm di thần phản Thanh phục Minh qua cửa Soài Rạp đến Mỹ Tho và hợp cùng với những lưu dân Việt lập nên Mỹ Tho đại phố năm 1679. Thạnh suy của một vùng đất dài theo những khúc quành lịch sử và thời gian. Những người bạn tôi một khi quay về ‘cố quận’ không khỏi chạnh lòng khi thấy những hàng me trên con đường Hùng Vương hay Ngô Quyền giờ hao hớt đi quá nhiều. Nghĩ gì khi lặng nhìn một vài cây me còn đó trầm mặc khi chiều dần nghiêng bóng . Một vài cây me còn sót lại, hệt như những bạn bè tôi ngày xưa giờ xa vắng, ở muôn phương. Mà thôi, lẽ thường của trời đất. Có hợp có tan, có tan có hợp. Nhưng sao vẫn muốn tìm lại những mảnh hồn rơi trên nẻo xưa, vẫn mong ngóng bắt gặp cơn ‘mưa lá me’ bất chợt thoáng qua đủ làm ướt tóc mấy cô nữ sinh áo trắng.

Tội nghiệp cây me dần biến mất ở tỉnh lỵ nầy dù cũng được du nhập vào đây như những cây bông giấy. Bông giấy được những biện lý da màu mang đến trồng để xoa dịu nỗi nhớ quê hương. Thập niên bốn mươi thế kỷ trước, dân Nam kỳ lục tỉnh gọi bông giấy là bông ‘biện lý’, rồi được gọi là ‘móc diều’, cuối cùng có tên ‘bông giấy’. Những hàng me luôn làm đầu óc tôi ‘lo ra’, phiêu lãng về những kỷ niệm.

Ngang qua trường Nguyễn Đình Chiểu, bao nhiêu kỷ niệm quay về. Học trò con trai đi học dán phù hiệu bằng cơm nguội, thích ngồi lề đường đếm bước mấy cô học trò trường Lê Ngọc Hân, khoái ‘tiếu lâm’ cho nên nhớ nhiều những chuyện ngoài sách vở. Nhớ lần người bạn học khoe một phát hiện mới về câu “ Hạng Võ khóc Ngu Cơ, ngơ cu Hạng Võ !” . Câu đối có nói lái nầy xuất phát từ giáo thụ Trịnh Hoài Nghĩa, dòng dõi Trịnh Hoài Đức, dạy chữ Nho trường trung học Mỹ Tho đó nghe. Lý giải của bạn tôi là theo Vương Hồng Sển thì câu dân diêu “Đồng Nai có bốn rồng vàng: Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi” mới xuất hiện vào đầu những năm 1920. Vương Hồng Sển cho rằng ‘Sang đàn’ có thể là Phụng Hoàng San, tác giả cuốn ‘Bản đàn tranh’ xuất bản năm 1909, còn ‘Nghĩa thi” rất có thể là Trịnh Hoài Nghĩa. Về trường Nguyễn Đình Chiểu, anh Bảy Câm có kể lại một chuyện ma mà ảnh là chứng nhân. Khoảng năm 1964, anh được vào học lớp đệ nhị và là một học sinh bị câm duy nhất của trường. Không người thân ở Mỹ Tho nên được thầy hiệu trưởng cho ở một phòng nơi nhà của thầy trong khuôn viên của trường, nhưng anh chỉ xin được ở trong một căn ở gian bếp. Ngày nọ, thầy hiệu trưởng về Sài Gòn, chỉ còn lại mình anh ở khu này. Vứa mới lên giường chợp mắt, anh nghe tiếng dọng cửa ở gian đầu tiên, rồi đến gian thứ hai. Tiếng dọng cửa dồn dập. Rồi im bặt. Tiếng dọng cửa lại đến ngay phòng anh. Rón rén bước xuống giường, và mở cửa thật nhanh. Trái với điều anh tưởng, anh không thấy một ai. Vào phòng, đóng cửa, mở đèn. Một lúc sau tiếng dọng cửa phòng lại đến. Nhìn qua khe bên dưới cửa, không thấy ai đứng. Lấy hết can đảm anh tông cửa chạy. Anh chạy ngang dãy lầu dơi, rồi quanh lên dãy văn phòng. Lúc này anh gặp chú Hai Ngầu đang bắt ghế ngồi ngoài sân. Chú là một trong nhóm bảy lao công của trường. Ngoải việc quét dọn, vệ sinh cho trường các chú còn trực đêm mỗi ngày một người , không kể bảo vệ ở cổng chánh. Nhìn bộ dạng hớt hơ hớt hải của anh, chú ra dấu như muốn hỏi có người dọng cửa phải không. Anh gật đầu. Chú ra dấu như nói chú không dám ngủ trong phòng phải ra ngồi ở ngoài sân. Trên dãy văn phòng cũng có chuyện xảy ra hệt như vậy.Để chứng minh điều khó hiểu này,chú Hai Ngầu kéo tay anh vào phòng trực. Đóng cửa lại, ngồi yên một lúc, anh và chú Hai Ngầu nghe tiếng dọng cửa từ căn phòng xa xa, rồi tiến rất gần phòng trực. Chịu hết nổi , cơn sợ hải khiến anh tung cửa chạy, leo cổng ra khỏi trường, và từ đó anh từ biệt luôn căn phòng ở trong khuôn viên trường.

Xèo xéo trường Nguyễn Đình Chiểu là trường nam tiểu học Trương Công Định, trước đó không lâu là trường thiếu sinh quân. Thơ thẩn một chút thì tới công viên Dân Chủ. Bây giờ không còn, được thay bằng Cung Văn hóa Thiếu nhi. Làm sao quên được những trận banh sau giờ học hay được nghĩ một hai giờ cuối. Theo hướng này đi một đỗi khá dài , vòng sau lưng dinh Tỉnh Trưởng, là Cầu Tàu hay cầu tàu Ông Chánh. Ngược lên mé vàm là vườn hoa Lạc Hồng (nay là công viên Thủ Khoa Huân), ở đây có dựng tượng Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân năm 1985 nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của ông. Mặt hông của đế tượng có ghi bài thơ Hán Việt được cho là các nhân sĩ làm ra để khóc ông và cả bài thơ dịch ra quốc âm của Trần Huy Liệu . Trước đó Phan Bội Châu đã dịch, rồi sau lại có thêm bản dịch của Phạm Thiều, nhưng có nhan đề là ‘Khốc Trần Xuân Hòa’. Qua các nghiên cứu của nhiều học giả thì đây là bài thơ của Nguyễn Hữu Huân khóc Trần Xuân Hòa tức Phủ Cậu. Vào đầu thế kỷ XX, gần vườn hoa có ga xe lửa, đi chút nữa đến đầu đường Galliéni/ Quai Galliéni (nay là đường Trưng Trắc), có bến tàu. Nếu phải chờ tàu từ Sài Gòn đến, khách có thể vào nghỉ tại các khách sạn đối diện với nhà ga , nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX là khách sạn Nam kỳ (gần phía bên hông tượng Thủ Khoa Huân ngày nay) của ông Huỳnh Đình Điền, năm 1908 ông cho Trần Chánh Chiếu mượn và được đổi tên thành Minh Tâm, ngoài ra còn có nhà hàng Bang Chì ( Boungalo de Plom), sau đổi chủ thành nhà hàng Nguyễn Văn Tri bán thuốc tây. Khu vực nầy có nhiều cao lâu do người Hoa làm chủ. Một lần ăn cao lâu món Quảng ở Mỹ Tho, trong bài thơ ‘Ăn cao lâu tại Mỹ Tho’ Học Lạc ghi lại cảm tưởng “…Khiển hứng no nê mùi Quảng Tống, Tiêu sầu quay quắt rượu Lang-sa. Trải xem ai nấy đều mê mệt. Há dễ mình ta tỉnh đặng mà . .Nguyễn Liên Phong trong tác phẩm Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (in năm 1909) ca ngợi cảnh sầm uất và tiện ích phục vụ khách phương xa của Mỹ Tho lúc bấy giờ “ …Đầu đường sáu tỉnh mối giềng. Tiệm ăn, tiệm ngủ khỏe yên bộ hành.

Bến tàu thứ hai, ở gần sát dốc cầu Quay, cũng trên đường Galliéni dẫn vào chợ Mỹ Tho. Hai cầu tàu chỉ xây cất đơn sơ, cột cây lót ván, dưới sông có trồng mấy cây trụ to để tàu dựa vào khi cập bến. Khoảng thập niên 20 thế kỷ trước những chiếc xà lúp có mặt ở Mỹ Tho, xà lúp hơi nước có bốn bến đậu. Từ sáu giờ đến tám giờ sáng hoạt động ở các bến tàu rất nhộn nhịp. Khách chờ tàu đi các nơi có thể nghỉ lại ở các khách sạn, dạo chơi phố chợ

Gần chợ Mỹ Tho có rạp ‘ hát ra bộ’ của thầy Năm Tú xây năm 1918, qua Cầu Quay một đõi, có rạp Viễn Trường mà xưa kia của Bạch Công Tử. Nếu có ai cắc cớ hỏi Battambang ở đâu tại Mỹ Tho và tại sao lại gọi như vậy? Có người gọi là ‘ bót Tam Băng’ nhưng danh từ này không dường như không hợp luận lý cho mấy vì ở Mỹ Tho có mấy cái bót không tên nhưng gọi theo số, tỉ như ‘ bót số tám’, ‘bót số hai’ (gần rạp Viễn Trường ngày trước) vân vân. Cớ sao tự nhiên gọi ‘Bót Tam Băng’ một cách lãng xẹt. Giải thích được coi hợp lý nhất là vùng quanh trại Nguyễn Văn Mua (gần góc đường Alexandre de Rhodes và Lộ hàng Xoài hay đường Trương Vĩnh Ký nay) trước kia có các kho lúa của công ty canh nông Battambang của người Pháp. Trong thông tri của Thống đốc Nam kỳ Hoeffel ngày 17-2-1945 gửi các chủ tỉnh (Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Trà Vinh, Vĩnh Long, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Gò Công, Mỹ Tho, Tân An) về việc xây cất các vựa lúa theo thỏa thuận giữa giám đốc Nha Kinh Tế và đại diện tám hãng xuất khẩu và ba công ty canh nông Pháp. Công ty canh nông Battambang có trách nhiệm xây các kho tại Gò Công, Mỹ Tho, và Tân An cho tổng số lúa chứa là 20.000 tấn. Các kho của Công ty canh nông Battambang ở Mỹ Tho có sức chứa khoảng 6.000 tấn, nhận lúa từ các nơi trồng quanh vùng, được vận chuyển theo rạch Bảo Định mà về kho. Có lẽ kho làm tre lá, nền trải trấu chống ẩm nên kho Battambang ở Mỹ Tho không còn để lại dấu tích gì.

Từ Mỹ Tho ra ngả ba Trung Lương , màu xanh miệt vườn lạt đi ít nhiều, nhà cửa mọc lên như nấm mùa mưa. Nhớ những ngày xưa thời niên thiếu, đến vườn nhà bạn ăn mận tại gốc. Nhớ người bạn học tận tình giảng cho bài học về ‘mận’. Chọn trái sậm màu, bóp nhẹ thấy thịt cứng chắc. Coi kỹ phần giữa ở đít trái mận xem còn còn cọng râu nhỏ không, nếu không thì đúng chắc là mận già. Không nên ăn mận mùa mưa, trái dễ có sâu. Sau một hay hai cơn mưa đầu mùa thì mận ngọt. Càng mưa nhiều mận càng lạt và không được cắn ăn liền, phải bóp trái mận ra coi có sâu không, dám chắc là có sâu nhóc luôn. Mân hái xuống ăn liền, để lâu một hai ngày thì trở thành ‘mận nguội’, cái giòn ngon giảm đi hai ba phần.Ngày nay cả chục loại mận ở chợ và siêu thị. Nào là mận Thái, kiết sen, sữa, An Thái, da người, mận Ấn độ hay còn gọi dưới cái tên nghe khá ư ‘giang hồ hiệp nữ’ Hồng Đào đá. Anh bạn cùng lớp ngày xưa đưa ra nhận xét về hai giống mận nầy như vầy : ‘Hồng Đào’ thời xa xưa của tụi mình giống hệt như mấy cô học trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp ; còn ‘Hồng Đào đá’ như mấy cô học cấp hai cấp ba bây giờ. Không biết có đúng không nhưng tôi thì cho rằng rất ư chí lý. Mận Hồng Đào Trung Lương ngày xưa dường như mất biệt tăm hơi, giờ chỉ còn phảng phất đâu đây câu hò miền Nam : ‘ Mưa sa giọt nhỏ giọt ngừng. Qua đây bậu đó đang chừng nhớ thương. Mười giờ xe lửa lại Trung Lương. Hai đứa mình bước xuống chỗ cội dương khóc ròng’.

Nếu đi thẳng theo đường Thiên Lý ta tới Tân Hiệp nơi được coi là đầu mối của vùng Ba Giồng, tên theo sách vở là Tam Phụ. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “ Gò Tam Phụ tục danh Ba Giồng gồm Gò Yến, ò Kì Lân, Gò Qua Qua. Gò đóng rộng lớn, cây cối sum suê, chỗ khởi lên, chỗ phục xuống, tiếp tục nối liền, trước có đại giang ngăn trở, sau tựa vào Chằm Mãng Trạch”. Rồi sách Gia Định thành thông chí , Trịnh Hoài Đức nói về Ba Giồng như sau: “ Hạt trấn Định Tường giồng đất rất nhiều, trên có giồng Triệu, giữa có giồng Cai Lữ, dưới có giồng Kiến Định là ba giồng lớn”. Còn theo Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cho rằng Ba Giồng là Giồng Dứa (nay thuộc xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Giồng Cát hay giồng Nhị Bình hay còn gọi là giồng Giữa (nay thuộc xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), và Giồng Thuộc Nhiêu, giồng nầy chạy dài từ hai xã Dưỡng Điềm, Điềm Hy (huyện Châu Thành) đến xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy.

Những người Mỹ Tho cố cựu còn nhắc đến câu ‘văn Cai Lậy, võ Ba Giồng’. Ba Giồng lúc ấy là nơi đông dân cư nhất của Định Tường. Theo Đại Nam nhất thống chí thì người Ba Giồng rất chuộng võ nghệ, nơi Đỗ ThànhNhân đã chiêu mộ được hơn ba ngàn quân lập nên đạo quân Đông Sơn, đối kháng lại quân Tây Sơn hàng năm xua quân đến đây để cướp lương thực. Gió can qua thường quét qua vùng này, nên Ba Giồng thực sự là nơi chiến trường giữa hai thế lực của Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Về sau, đến đời Minh Mạng, không muốn nhắc đến việc bài đạo Thiên Chúa nên các sử quan triều Nguyễn cố tránh nói đến Ba Giồng mà nói theo chữ Nho là Tam Hiệp, kế đó hình thành một khu dân cư mới gần đó có tên là Tân Hiệp. Ngày nay Tân Hiệp nổi tiếng món cháo lòng, nhưng dân cựu trào cũng cho rằng Tân Hiệp là nơi xuất phát món bò bảy món vào khoảng năm 1930. Họ còn nhắc đến Henri Adams, người Pháp gốc Ấn, thu thuế chợ ở Tân Hiệp thường ngó lơ không thu thuế những người mua gánh bán bưng. Họ gọi ông với cái tên thân mật là ông ‘Ba Bi’, sau ông kết hôn với một cô bạn hàng nghèo người Việt. Nhân gánh hát cải lương có kép chánh đào chánh Năm Châu-Phùng Há về hát ở đình. Cô đào Phùng Há bày cho đôi vợ chồng Ấn Việt nấu cháo thịt bò bán cho các chị em nghệ sĩ sau những đêm hát. Dân chúng cũng ăn để có dịp trò chuyện với đào kép trong đoàn hát. Với tài nấu nướng của người vợ, mỗi ngày đặc biệt một món bò cùng với cháo bò. Tuần lễ bảy ngày có bảy món. Dần dần là bò bảy món. Hai vợ chồng khai trương quán ăn lớn hơnvào trung tuần tháng tư năm 1930, quán nằm gần đình chùa và hồ nên chủ nhân đặt tên là ‘Au Pagolac’.

Từ Trung Lương đi về hướng Vĩnh Long, khoảng chừng sáu bảy cây số, ta bước vào Giồng Dứa, vào thế kỷ XVIII nơi đây là vùng truông trấp cây cỏ um tùm, hoang vu và nhiều thú dữ. Giồng Dứa là một đoạn đường thiên lý làm nản lòng khách lữ hành đi vào vùng đất miền Tây. Cô gái nào có người yêu vì công chuyện phải đi ngang đây đều có tâm trạng lo buồn cho an nguy của người mìn h yêu. “Ai về Giồng Dứa qua truông. Gió lay bông sậy, để buồn cho em”. Không xa Giồng Dứa (xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành)còn một địa danh nữa còn âm vang chiến thắng oai hùng Rạch Gầm – Xoài Mút của Quang Trung Nguyễn Huệ phá tan 300 chiến thuyền và 2 vạn quân Xiêm ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn (18-1-1785). Rạch Gầm, xa xưa gọi là Rạch Cọp Gầm chảy từ xã Long Tiên ( quận Cai Lậy, Định Tường) qua các làng Bàn Long, Vĩnh Kim (quận Sầm Giang) đến Kim Sơn rồi đổ ra sông Tiền. Rạch Xoài Mút từ Giồng Dứa, ấp Thanh Long sang ấp Thạnh Hưng xã Phước Thạnh rồi vào rạch Xoài Hột ra sông Tiền. Người bạn ở Xoài Hột cho biết gần đây có câu tạm gọi là ca dao mới, “Bần gie đóm đậu sáng ngời. Rạch Gầm Xoài Mút muôn đời oai linh”. Nghe qua có lý, ngẫm nghĩ lại quá sai. Trận Gạch Gầm Xoài Mút xảy ra vào đầu tháng Chạp, lúc này không thể nào còn thấy ‘đèn’ đom đóm được. Người đặt ra câu ‘ca dao’ này thiếu quan sát sâu sắc thực tế thiên nhiên. Bạn tôi còn đọc mấy câu thơ trong bài Cúc Hoa của Thái Thuận (Phó nguyên súy Tao Đàn, thời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV) “Lãnh liệt thu thâm độc nại sương. Nhiễu tùng khai biến bạn ly quang. Thảo biên nhật mộ hoàng phân ảnh. Trúc lý phong hàn xạ tiến hương”- Lạnh thấm thu già riêng nở sương. Trìu trìu lưng dậu nhánh thanh quang. Cỏ phơn phớt rạng đêm huỳnh hỏa. Trúc hắt hiu lồng gió xạ hương (Quách Tấn dịch). Rõ ràng bên cỏ ban đêm bóng đom đóm phân biệt rõ ảnh sắc và cuối đông thì đã hết mùa đom đóm bay rồi. Đành cảm ơn ông bạn vì những nhận xét nầy. Còn chuyện ‘Xoài Mút’, bạn tôi cho biết vườn nhà lão ông Trác Quan Đồ ở ven xã Bình Đức còn có cây ‘xoài mút’ cổ. Điều này rất đáng trân trọng, bởi vì nhiều nhà dược học cho rằng xoài mút là cây thanh trà ở miệt miền Tây Nam Kỳ lục tỉnh. Khoảng tháng năm dương lịch, người ta bày bán thanh trà ở các bến bắc, vài năm trước tôi còn thấy ở bến bắc Bình Minh (hay còn gọi bắc Cần Thơ) bên phía Vĩnh Long. Thanh trà chín có vỏ màu vàng, ngọt ngọt chua chua, hạt to và dĩ nhiên ăn đúng cách người Nam bộ là lột vỏ lưng lửng và mút. Không hiểu ‘xoài mút’ và ‘xoài hột’ có khác nhau hay không, nếu không thì sao lại có địa danh Xoài Mút và Xoài Hột. Dẫu sao chúng cũng còn nhắc tới, được dùng để đặt tên cho đất, hơn hẳn giống xoài ‘thanh ca’ nức tiếng trước đây giờ chìm vào quên lãng. Một vài năm sau 1975, xuất hiện giống xoài ‘ba mùa mưa’- loại xoài ghép , chỉ cần trồng qua ba mùa mưa là cây cho trái chiến. Rút ngắn thời gian trồng ra trái, hình dạng trái hệt như xoài cát Hòa Lộc nhưng rất hôi mủ ở trái mùa ‘trái chiến’, hoặc mùa thu hoạch thứ hai. Xoài ‘ba mùa mưa’ chín không ngọt thanh như xoài cát Hòa Lộc nếu không muốn nói là có vị chua, không mùi vị đặc trưng. Bạn hàng rong ở các bến bắc thường thường bán cho khách vãng lai loại xoài này, giả danh là xoài cát Hòa Lộc. Việc gian dối dễ dầu gì dấu giếm, cho nên nó lại có hỗn danh là “cốc Hòa Lạc”. Thứ thiệt cát Hòa Lộc, thứ dỡm cốc Hòa Lạc. Giống xoài ‘ba mùa mưa’ này nhanh chóng biệt tích giang hồ.

Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng. Cảnh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngợp trông’. Qua giồng Cát hay giồng Nhị Bình đến giồng Thuộc Nhiêu, nơi Học Lạc tị địa sau khi rời thôn Mỹ Chánh. Ông là một thầy thuốc và là nhà thơ nổi tiếng. Thơ châm biếm hay trào phúng của ông còn được truyền tụng khá nhiều, cho nên xin mạn phép không nói nhiều ở bài này. Thuộc Nhiêu thời ấy cũng là nơi thị tứ, nổi tiếng về trồng trọt chăn nuôi đặc biệt với giống heo Thuộc Nhiêu, Nhị Quý nổi tiếng với giống nhãn da bò nhỏ hạt, cơm dày, vỏ mỏng. Vào thế kỷ XVIII nhiều tộc họ ở miền Trung di dân vào nơi đây sinh sống lập nên các ấp Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Phú. Đến cuối thế kỷ XVIII ba ấp này xin lập thành làng Mỹ Quý thuộc huyện Kiến An, trấn Định Tường. Người khai lập làng là ông Nguyễn Đức Chiêm gốc người Quảng Nam. Lúc Phủ Cậu (Trần Xuân Hòa) đắp đồn Mỹ Quý chống quân viễn chinh Pháp, người trong tộc họ Nguyễn Đức tham gia rất đông. Sau khi chiếm Mỹ Tho, tháng 4 năm 1861 quân Pháp chiếm huyện Kiến Đăng (Cai Lậy nay) rồi đến gần cuối tháng 9 năm ấy đồn Mỹ Quý bị chiếm. Ngày 7 tháng 1 năm 1862 Phủ Cậu sa vào tay giặc và bị đưa về Thuộc Nhiêu, nhưng ông đã cắn lưỡi tự sát. Những người trong tộc họ Nguyễn Đức lưu tán và đổi chữ lót, thế hệ kế tiếp lại nảy sinh mâu thuẩn trong việc thừa kế đất đai của giòng họ và làng phải nhiều lần đứng ra phân xử. Có lẽ vì thế người thời ấy hay nói “Hữu Đạo điền, Mỹ Quý điên, Bình Trưng tửu, Nhị Bình yên”. Không thấy có so sánh phẩm chất giữa rượu Gò Cát và rượu Bình Trưng, nhưng ở Bình Trưng vẫn còn tên cầu Xóm Rượu hay còn gọi là Cầu Rượu, cách ngã tư Đồng Tâm trên Quốc lộ 1 chừng hai cây số. ‘Hữu Đạo điền’ thời Minh Mạng là vùng đất công điền nhưng nay không còn đất công vì chế độ công điền bị xóa bỏ từ lâu. ‘Hữu Đạo điền’ trôi vào quên lãng nhưng tại xã Hữu Đạo còn một huyền thoại liên quan đến Phủ Cậu. Cây trính bằng gỗ giá tị ở đình Hữu Đạo vẫn còn lưu dấu chân người. Dấu chân của một vị Lãnh binh họ Trần tên Từ dậm trên cây trính lúc đình Hữu Đạo đang dựng. Mười mấy năm lánh nạn, trở về cố hương, lúc ngó về hướng đồn Tân Thành, Mỹ Quý nhớ thời oanh liệt đánh đuổi quân thù, cảm thương vị thủ lãnh đã tuẫn tiết cùng với nỗi uất hận. Một dấu tích bi tráng của tiền nhân.

Đến Cai Lậy nếu rẽ tay phải theo tỉnh lộ 829 ta có thể đi vào vùng Đồng Tháp Mười. Thuở trước rất nhiều người dân Cai Lậy dấn thân vào vùng Đồng Tháp Mười để khẩn hoang mưu sinh. Họ mang theo giọng hát câu hò để giải khuây giữa cảnh trời nước mênh mông. Những câu hò Đồng Tháp còn sót lại đến nay được Sơn Nam nhận định chính là hò Cai Lậy nếu xét về nhịp điệu, về tiếng hòa đệm. Câu hò ba nhịp, khi dứt nhịp một và nhịp ba dùng vần bằng, dứt nhịp hai với vần trắc. Nơi đây còn vang tiếng hò mép (hay nói bắt quàng) ngẫu hứng , hay ung dung nhàn nhã với hò chèo ghe. Chẻ sợi tóc làm tư làm chi cho mệt, hãy lắng nghe đâu đây văng vẳng câu hò của một cô gái chèo ghe nào đó đang trải bày tâm sự khi chưa biết chọn bến nào trong ‘mười hai bến nước’ cho mình… “ Hò hơ, ớ này anh nó ơi, số phận em giao phó cho trời xanh, lấy anh em không lấy, nhưng không đành làm ngơ. Hò hơ…Vốn em cũng bơ thờ, em đã hằng chọn trong lắng đục, nhưng vẫn còn ngờ nợ duyên. Hò hơ…em muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang, nhưng lại sợ ông hay gia hay giảm ; em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm , nhưng lại sợ ổng hét la ghê gốc; em muốn chọn chú thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà; còn lấy anh thợ cưa tính nết thật thà, thì sợ nỗi trên tàn dưới mạt; mà chọn một người hạ bạc, lại e quanh năm mang lưới mang chài; bằng lựa người cuốc đất trồng khoai, thì lại sợ ảnh hay đào hay bới;em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi, nhưng lại sợ ảnh hay nói tức nói êm; còn lấy anh đặt rượu làm men, thì lại sợ suốt ngày cà riềng cà tỏi….

Văn Cai Lậy, võ Ba Giồng”. Vùng Cai Lậy nơi dân chúng chuộng văn chương chữ nghĩa, giữa tiền bán thế kỷ XX văn đàn Cai Lậy lấy đình Thanh Hòa làm nơi bình thơ xướng họa. Trước khi làm Thủ tướng, Đốc phủ Nguyễn Văn Tâm cũng thường đến đình trao đổi văn chương với các thi hữu. Thời điểm này vùng Cai Lậy còn lưu truyền câu “Nhất Tuất, nhì Vinh, tam Viên, tứ Trảo” để chỉ bốn thầy đồ dạy giỏi của địa phương nầy. Rất tiếc các giai thoại ‘Nhất Tuất nhì Vinh’ không còn ai nhớ, nhưng còn hai nhà nho đứng hàng thứ ba và thứ tư thì được nhắc nhiều hơn. Nguyễn Văn Viên người làng Hòa Thượng, Cai Lậy. Ông là chánh bái của đình làng nầy và làm nghề dạy học. Còn thầy đồ Nguyễn Văn Trảo là người vùng ngoài vào lập nghiệp ở Cẩm Sơn. Nghe đồn có lần thầy Viên sai học trò đến Cẩm Sơn đọc thật lớn bài thơ chọc thầy Trảo... Sẵn có người tài thuộc cổ kim.Hiếm thầy sao phải học thầy chim ?Lăng xăng khen trẻ vin nhành ớt.Cực nhọc thương trò hết chuối xiêm...”. Không vừa gì, thầy Trảo cho học trò đọc thơ đáp lại, cả bài thơ họa vận có người còn nhớ là “ Con nhà nho nhã cổ cùng kim. Ngũ đế phong quan trước bậc chim. Các việc trên đời ai khéo đặt. Nên người tráo chác đổi hài xiêm. Hai viên dù giỏi nằm trong háng. Một lúc tung hoành cũng đứng im.Dù dở dù hay thì để đó. Xin đừng bài biếm mích lòng thêm”. Không biết thầy Viên thứ mấy nhưng thầy Trảo cứ cho là thứ hai đầy dụng ý.

Từ Mỹ Tho theo Quốc lộ 1 đến Cai Lậy rẽ trái theo tỉnh lộ 868 đến Long Tiên, cù lao Ngũ Hiệp, còn gọi là cù lao Năm Thôn nhưng hiện nay ít gọi như vậy vì một cù lao khác ở huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long cũng có tên là Năm Thôn. Cù lao Ngũ Hiệp (tên xưa là cù lao Trà Tân, tên sách là cù lao Kiến Lợi) nơi được mệnh danh là vương quốc sầu riêng. Năn 1864, sĩ quan Pháp tên Taillefer lợi dụng sự đỡ đầu của bộ máy viễn chinh Pháp nên đã chiếm toàn bộ đất cù lao, khoảng 300 mẫu tây, nơi chỉ có sáu gia đình sinh sống. Taillefer đem một số cây giống mới, xây nhà máy xay xát lúa gạo để khuếch trương tiểu vương quốc của mình. Chỉ bảy năm sau với nhiều lý do viên sĩ quan này sạt nghiệp. Đất đai Ngũ Hiệp lọt vào tay Trần Bá Lộc, rồi các con, rồi sang tay Phủ Mầu. Nhưng không lâu sau Phủ Mầu cũng không giữ được cơ nghiệp ở Ngũ Hiệp. Còn cây sầu riêng mãi đến năm 1970 mới có mặt tại Ngũ Hiệp. Nông dân Hai Tôn, gốc ở Tam Bình, mang giống sầu riêng khổ qua vàng trồng ở cù lao. Sầu riêng khổ qua vàng này không biết xuất phát từ đâu, nhưng Hai Tôn chỉ cho biết là từ cây gốc ở vườn ông Chánh bái Mẫn ở làng Tam Bình. Ngày nay, tại cù lao Ngũ Hiệp có rất nhiều giống sầu riêng mới, như Mong Thong, Chanee (Thái Lan), sầu riêng 6 Ri, 9 Hóa, v.v. Khi thưởng thức sầu riêng trong một nhà vườn ở đây chắc thể nào bạn cũng được nghe câu ca dao ‘ Ghe ai đỏ mũi, trản lườn. Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em. Cùng em ăn trái sầu riêng. Ăn rồi cảm thấy một niềm vui chung.

Trước khi đặt chân đến Ngũ Hiệp, ta phải ngang qua Long Tiên. Nơi này thời trước có nhiều bậc túc nho nổi tiếng . Chẳng hạn vào thập niên hai mươi thế kỷ trước danh tiếng cha con Cả Mười ở làng Mỹ Đông Thượng vang xa. Con ông Cả Mười được người dân thời ấy gọi là Nghị Sảnh, văn chương chữ nghĩa gồm đủ. Tuy nhiên ngày nay chỉ còn một số câu đối của ông được lưu truyền. Chẳng hạn câu đốiTích nhật bá nhàn đặng Thánh thất. Kim tiền vị nghĩa phản Tiên hương’ (Ngày trước, vì muốn nhàn nhã nên anh lên Thánh thất; hôm nay , vì nghĩa anh trở lại quê hương Long Tiên) mà ông viết để tặng một nông dân gần nhà trở lại quê nhà sau một thời gian bỏ làng lên Thánh thất Tây Ninh sinh sống. Câu đối nầy hay ở chỗ chơi chữ, nói thật hoàn cảnh của người nông dân khi ta ngẫm nghĩ theo cách nói lái ẩn ý thường gặp của người dân Nam Kỳ lục tỉnh. ‘Bá nhàn’ đúng là ‘bán nhà’, còn ‘vị nghĩa’ thường được dân Nam bộ đọc là ‘vị ngãi’ có nghĩa ‘dại nghĩ’. Ông Cả Mười còn được gọi là Cả Trận tên trong khai sinh là Nguyễn Minh Triết. Câu đối phúng viếng Trần Bá Lộc của ông thường được nhắc tới. ‘Tá quốc ư lưỡng kỳ, mộc hoại hương tồi, thử nhật niểu hùng nan dụng võ.Bảo dân vu Ngũ Hiệp, vinh sanh an tử, kim triều chấp phất hận võ văn’(Ngày trước, ông giúp Pháp đánh Nam Kỳ và Trung kỳ, mạnh như con thú dữ, nay cây ngã cột xiêu, võ nghệ ấy hết sử dụng rồi. Ông giữ con dân làng Ngũ Hiệp, bảo sống được giàu sang chết yên ổn, nay chúng tôi đến viếng ông mà lòng còn hận vì ông dốt nát). Hội đồng Mô, người được tang chủ giao cho theo dõi người phúng điếu, nhất là để ý đến các câu đối, câu liễn, đã gọi Cả Mười đến hỏi nghĩa câu đối mà ông mang tới phúng điếu. Ông lại giải nghĩa như sau: ‘Ngày trước, ông giúp Pháp đánh Nam Kỳ và Trung kỳ, nay ông chết nhà nước như cây ngã cột xiêu, vì tài nghệ của ông không ai sử dụng được nữa. Ông giữ con dân được năm điều hiệp (vua gặp tôi, cha gặp con, anh gặp em, chồng gặp vợ, bạn bè gặp nhau) sống giàu sang chết yên ổn, nay chúng tôi đến viếng ông mà lòng còn hận vì chẳng có nhiều tiền để điếu tang’.

Từ Ngũ Hiệp qua đò là ta đến Cồn Tròn của cù lao Tân Phong-vương quốc chôm chôm. Trước thời Pháp thuộc có tên là Tân Cù thôn, dài ba cây số, rộng khoảng một cây số ngàn, nay được bồi đắp qua năm tháng, bề ngang của cồn tăng lên gần năm cây số, dài mười ba cây số. Các Cồn Ghe Bầu, Cồn Tre, Cồn Trách, Cồn Phùng gần như hợp lại thành một. Đến năm 1967, Tân Phong thuộc tổng Bình Hưng, quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long. Nay là xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cù lao Tân Phong lẫy lừng về cá mè vinh nhưng chính ốc gạo mới làm Tân Phong nổi tiếng ở xứ Nam Kỳ lục tỉnh. Có câu ‘Ốc Cồn Tre, hai người đè, một người lể’. Câu nói khoa trương cường điệu quá hừng chừng. Cách khen ốc gạo Tân Phong quá to và ngon so với ốc gạo ở mấy miệt khác. Ngày trước, bắt ốc gạo khá cực, phải lặn phải cào. Có hai cách, lặn cồng cộc và lặn điên điển. Phải chăng hai cách nầy giống cách lặn bắt mồi của chim cồng cộc và điên điển? Mùa ốc gạo ngắn ngày, dù bán có giá nhưng những người ở đây chỉ coi đó là nghề phụ, không thể thay đổi được cái nghèo dai dẳng đeo đuổi. ‘Đêm khuya sông rộng cồn dài. Suốt đêm lặn hụp nghèo hoài em ơi’. Ngày nay người ta dùng ghe cào, đánh bắt ốc gạo triệt để hơn và hậu quả nhãn tiền là cù lao Tân Phong ngày càng cạn kiệt ốc gạo. Đến Tân Phong chỉ thấy sự vội vã sau nửa đêm, những ghe trái cây chuẩn bị xuống hàng, nhổ sào đi về hướng chợ nổi Cái Bè.

Xe vừa mới lên tới chân cầu Mỹ Thuận để qua Vĩnh Long, nhìn về dãi đất phía trái chạy hun hút ra tuốt tới cồn Cổ Lịch (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè). Nhìn trên bản đồ thì khó lòng kiếm được sông Cổ Lịch vì giờ đây nó coi như là một phần của sông Tiền, nhưng Đại Nam nhất thống chí ghi rằng sông Cổ Lịch ở cách huyện Kiến Phong 72 dặm về phía đông, rộng 14 trượng, sâu 12 thước. Sông chảy về phía bắc 2 dặm rưỡi, đến chỗ ngả ba, ngả bắc chảy 7 dặm rưỡi đổ vào sông Đại Hội, ngả tây bắc chảy 10 dặm cũng đổ vào sông Đại Hội (sông Cái The). Khúc sông uốn lượn, lúc nở to, lúc bóp nhỏ thường hay có tên bắt đầu với chữ ‘Cổ’. Ta có Cổ Cò, Cổ Hũ (tên một đoạn sông Tiền trước chợ Thủ; sách Minh Mạng chính yếu viết là sông Cổ Hằng) , Cổ Lịch. Như cổ của con lịch. Nhân đây tiện thể xin được nói thêm, ở tỉnh Tiền Giang có một địa danh là Cổ Chi. Nguồn gốc địa danh không rõ , nơi đây cũng không có con sông con rạch nào co thắt có hình chữ chi. Có lẻ Cổ Chi đúng thật là Củ Chi vì ở Định Tường hay Tiền Giang có giáo xứ Ba Giồng, giáo xứ Củ Chi. Củ Chi là tiếng Việt dân gian chỉ cây mã tiền. Ngày nay nhiều cơ sở sản xuất và trại cá đang dần lắp đầy khu vực ven sông nầy. Phần đông mọi người chừng như quên lửng rằng trước đây có một đồn binh trấn giữ nơi mặt sông nầy trước hiểm họa xâm lấn của quân Xiêm và Chân Lạp rồi đến quân viễn chinh của nước Pháp. Chỉ trên một cung đường thiên lý hay còn gọi là đường Cái giữa ngang qua tỉnh Định Tường xưa ta chừng như nghe tiếng đồng vọng lịch sử của thời mở đất về phương Nam, dù chỉ giây phút ngang qua mấy thôn làng, phố chợ dọc theo cung đường nầy ta có thể gật gù đọc lại mấy câu mở đầu nói về cuộc đất Định Tường -‘ Phong cảnh vui xem hạt Định Tường. Tàu xe đông đảo mỗi đầu đường. Cồn Rồng đất nổi che tiền diện. Cổ Lịch đồn xây trấn viễn phương...’ (Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca )- để dõi theo bước chân của tiền nhân...Còn tiếp

QUỐC DZŨNG

------------------------------------------------------------------------------------------------------

HOA SEN

1. Sen không phải là hoa duy nhất mọc trong bùn mà không mùi bùn. Rõ nhất là hoa súng không mùi tanh bùn nhơ. Loại thứ hai là iris nước, mọc trong bùn màu vàng hay xanh tím. Hai thứ nầy có gốc trong bùn, không như bèo lục bình hay bèo Nhật Bản rễ ở trên bùn.

2. Nước hồ sen trong khi không bị khuấy động. Sự hiện diện của sen không phải là điều kiện cho nước trong. Hai thứ hoa kể trên vẫn sống trong nước trong. Cuối mùa, là sen nói chung là thân lá hoa v.v... khô thúi chìm xuống nước, ít lâu sau cũng lắn như các thứ thân cây mục khác; gốc sen và củ sen cũng làm cho nước thối hơn khi muc.

3. Sen không phải duy nhất từ rễ củ của năm trước. Các loại qua năm perennial, trên khô hay dưới nước đều nằm chờ sang năm mọc lại. Sen còn có thể sinh từ mầm của hạt, không nhất thiết phải từ củ.

4. Ong rất thích hút nhụy hoa sen. Nhiều loại sâu bọ ăn nát cả cái hoa ví dụ bọ Nhật (Japanese beetle). Có lẽ tác giả muốn nói sen trong Kinh Di Đà chăng? Trì tụng liên hoa đại như xa luân thanh sắc thanh quang, huỳnh sắc huỳnh quan... vi diệu hương khiết. Các hoa khác có một phần tròn bên trong và bao bọc bởi các cánh hoa tròn như hoa hướng dương.

5. Mùa xuân hoa nở, nhưng thu đông, hạ, bốn mùa đều có hoa. Không như tác giả nói, mùa thu rất nhiều hoa, các nhà trồng trọt thích thu hơn xuân. Thu nổi tiếng là cúc. Đông có camelia là tiêu biểu. Ở nơi ấm, hoa hồng nở quanh năm. Hồng chỉ hết hoa khi có giá lạnh (first frost). Tác giả nói chỉ có sen trong mùa hạ. Vậy thì myrtle, lily nở lúc nào? Còn nói đến sự chịu đựng nắng hạn mùa hẻ thì sen không bằng hoa xương rồng. Không một giọt nước trong lúc sen có cả hồ nước.

6. Hoa huệ, hoa iris cọng thẳng hơn cọng sen.

7. Thân cây chuối vừa thẳng và vừa rỗng hơn cọng sen. Nói cho cùng thân hoa nào cũng có chỗ rỗng để dẫn nhưa theo hiện tượng mao dẫn.

Tôi không bàn luận, phê phán đúng sai ý nghĩa triết lý tôn giáo được tượng trưng bởi các tính chất của hoa sen. Nhưng đem những điều có thật bên ngoài rồi cho chúng tính chất siêu việt có một không hai của biểu tượng Phật Giáo mà không đi sát với thực tế là một điều không hay cho một tôn giáo có tính chất khai phóng không cố chấp.

Giới hạn của tôi là chỉ biết hai xứ: Việt Nam và Hoa Kỳ cho nên những nhận xét tạm gọi là quan sát ngoại quan căn cứ vào các điều xẩy ra tại hai nơi ấy. Có thể tác giả sống ở một nơi nào đó không có hoa mùa thu và mùa đông, báo chí sách vở xứ ấy không nói đến hoa xương rồng, không biết hoa huệ ra sao và không có cây chuối v.v...

Đồng thời xin nói trong lịch sử nhiều tôn giáo dùng hoa sen làm biểu tượng. Ít nhất, đó là trường hợp Kỳ Na Giáo (Jainism) với hình tượng rõ nhất là giáo chủ ngồi trên đài sen.

Đặc tính duy nhất của hoa sen trong vương quốc hoa (floral kingdom): dù non bao nhiêu sen cũng có hạt trong lúc các hoa khác phản tàn mới có hạt. Bồng thực, tượng trưng cho nhân quả đồng thời.

trích: Điều nầy, nói lên một triết lý sống; nhân quả không bao giờ sai khác. Nhân quả như hình với bóng, hình thế nào, thì bóng như thế đó.

Thế nên, muốn cho đời sống được an ổn tươi mát thơm tho như hoa sen, thì chúng ta nên nhớ đến lý nhân quả mà hành xử tu nhân tích đức, làm lợi ích cho mình và người, thì chắc chắn chúng ta sẽ có hạnh phúc an lạc ngay trong đời sống hiện thực. ngưng

Tôi xin múa rìu qua mắt thợ viết thêm vài dòng về nhân quả đồng thời.

Ý niệm chính yếu của nhân quả đồng thời áp dụng trước tiên và quan trọng nhất là tu chứng. Quyết định là nhân, giác ngộ là quả.

Một môn đệ bạch Phật rằng một kẻ ác muốn bỏ điều xấu để xin qui y Phật. Ngài nói: kẻ ấy đã thành Phật trước khi tỳ kheo trình cho ta.

Ngôn ngữ thông thường: bỏ dao thành Phật.

Hoa sen dùng làm tên cho tạng điển lớn nhất: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Nếu tôi không nhầm, hầu như hoa sen không được nói đến trong toàn cuốn kinh, chỉ nói ngồi tòa sư tử, hoa mạn đà la. Nhưng tinh thần nhân quả đồng thời của hoa sen được chú trọng đặc biệt. Phần kệ phẩm 16:

chúng sinh mang tội báo

do nhân duyên ác nghiệp

nên trong vô lượng kiếp

chẳng nghe tên Tam bảo

(nhưng) người nhu hòa ngay trực

cố tu tập cống đức

sẽ được thấy thân ta.

Dài thì rất dài, nhanh thì rất nhanh. Tu một kiếp nhưng ngộ nhất thời.

Nhưng ngoài mấu chốt giác ngộ nói trên, vấn đề nhân quả được trình bày khúc chiết hơn qua thập như thị (nt): nt tướng, nt tánh, nt thể, nt lực, nt tác, nt nhân, nt duyên, nt qủa, nt báo, nt đồng mạc cứu cảnh đẳng. (Phẩm 2). Thập như thị là rốt ráo bản chất vũ trụ vạn hữu trong đó nhân quả nằm trong hai cặp sinh động tiệm/khai. Ấy là nhân/duyên và quả/báo.

Nhân và quả đồng thời nhưng quả và báo chưa hẵn đã đồng thời. Sự bất xứng về thời gian nầy nói lên thực tế và biến thái (tăng giảm, nếu có). Ví dụ thực tế trong cuộc sống. Khi bạn lái xe thật sự trái phép (nhân), lệnh phạt là quả và ghi ngay vào hồ sơ nhưng bạn chưa phải đóng tiền phạt. Tiền phạt có thể theo một biểu suất có sẵn hoặc bạn ra tòa, tòa cho đóng ít lại hoặc giả bạn không trả tiền, bạn có thể bị tống giam, tăng gấp đôi, gấp ba v.v...

Khi bạn vay tiền, bạn có nợ với ngân hàng và bạn sẽ trả sau, thời gian còn lại bạn có thể tìm cách trả ít hơn, hoặc bị phạt thêm vì trễ v.v...

Trong khoảng cách giữa quả và báo, Phật Giáo chỉ cách cho tín đồ thuyên giảm báo và lưu ý không nên làm cho báo lớn hơn. Phật Giáo không chủ trương một định mệnh cứng rắng (déterminisme rigide). Đẳng thức của định mệnh a + b = c có thể thành bất đảng thức a + b > c hay a +b <>

Không có thiên đường vĩnh viễn hay địa ngục vĩnh viễn. Khai triển điều nầy, một học giả Nhật nói: có hai điều sai lầm. Thứ nhất là nói sau cái chết không còn gì cả; thứ là nói cái còn (sau cái chết) vĩnh viễn y nguyên không thay đổi.

Hãy sám hối, hành thiện, nâng tâm thức lên các giới cao nhất, đừng để cho nó tuột xuống giới thấp trong thập giới (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, <>, thiên, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Phật). Đó là con đường giải thoát, ít nhất theo cái nhìn của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.-

Tuệ Tôn

26 Oct 2010

******************************************************

Xử dụng phân người tại VN ngày xưa và tại Mỹ ngày nay

Làng Cổ Nhuế ngay nách Hà Nội đã mấy trăm nay chuyên nghề hốt phân người đem về ủ cho hoai, đem bán cho làng bên cạnh chuyên trồng hoa và nhất là cây trắc, loại kim quật trái vàng mà ngày Tết còn quý hơn mai.

Đó là một sáng kiến kinh doanh, đồng thời giải quyết câu chuyện vệ sinh. Người lập làng hiện còn được thờ với đôi gióng gánh (ngoài Bắc gọi là đôi quan). Các làng, nhất là ngoài bắc, thường có một nghề chung như thợ bạc, gốm Bát Tràng, thì Cổ Nhuế cũng có công việc riêng để sinh sống. Ở Huế có làng xưa là ăn mày, nay giàu có mỗi năm phải đi ăn mày vài ngày cho vừa lòng tổ khai lập.

Thứ nhất tể tướng, thứ hai ẻ đồng.

Ngồi ngoài đồng nội gió mát mà giải quyết bầu tâm sự.

Nhà xí không được chú trọng. Hãy xem các cung điện vua chúa. Do đó, các ngài xả xấu vào trong cái thau, bây giờ thông dụng trong chữ "bưng bô" có lẽ do chữ pháp là "pot". Nhờ vậy Việt Câu Tiển mới có cơ hội gần Ngô Phù Sai.

Còn dân chúng thì vây vải khắp nơi. Phân nào chẳng là phân nhưng nông dân chỉ thích phân heo và phân bò. Cách nuôi heo cổ truyền cho heo ở trong chuồng ẩm ướt rồi cứ bỏ lá vào; heo đạp nát và nhờ ẩm phân hoai (hay hoại) nhanh. Còn bò thì đi lung tung và làm hai việc xuất nhập tại chỗ. (người Ấn không giết bò, dùng phân bò thay củi nấu ăn). Ở Huế, theo cách nuôi ấy có hai chữ khác nhau là ràn bò nhưng lại là chuồng heo.

Trong nam thì thích phân bò để trồng thuốc lá. Phân heo làm thuốc không cháy. (Phân tốt nhất cho thuốc là bánh dầu, xác ép dầu phụng).

Nhất nước nhì phân là một chân lý.

Chu Tử viết một kỷ niệm đặc biệt. Hai mẹ con đi qua làng bên cạnh ăn kỵ. Được nửa đường, bà gặp một bãi phân trâu. Bà hốt, xong dẫn con trở về nhà cất bãi phân rồi đi ăn kỵ. Ca dao có câu:

Trời mưa trời gió đùng đùng

cha con ông Hùng đi gánh cứt trâu về trồng bí trông bầu.

(Ông Hùng biết đâu là Hùng Vương, vì dân sinh thực tế như ông tiên sư thành lập làng Cổ Nhuế nói trên).

Người Mỹ lấy phân gà, phân bò biến chế thành như cọng bún (pellet) khô ráo như ngô bắp các bà bón rất dễ, không sợ dính tay.

Mọi người tin tưởng rằng phân người độc hại hơn phân thú. Có kẻ giải thích vì tư tưởng con người độc hại hơn thú vật nên phân của họ cũng độc hại. Các nhà khoa học thì nói con người ăn mọi thứ như con cá cũng có vi khuẩn riêng, thịt bò, thịt chó, thịt dê đều như vậy. Nếu đúng thì con heo ăn đủ thứ thực phẩm con người, còn chó cũng vậy.

Trước đây tây phương dùng septic tank cho phân rả lắng và có thời gian cho vi khuẩn giết các vi trùng độc hại, thành phần hữu cơ bị phân thể theo nước ra ngoài; khoáng chất đọng xuống đáy. Phải dùng mìn mới phá các cầu tiêu công cọng quanh nhà tù Bastille khi quân cách mạng giải tỏa vì khoáng chất quá dày lâu năm.

Ngày nay các đô thị dùng hệ thống sewer cống rãnh đưa về một nơi gọi là water treatment v.v..., sử dụng nước trở lại và lấy các chất cặn thành top soil. Nhờ vậy nước ở Mỹ không bị ô nhiễm bởi phân người, theo tinh thần của Clean Water Act.

Hiện nay North Calorina đang còn nhức đầu vì tiểu bang nầy sản xuất rất nhiều heo mà kỹ nghệ phân hữu cơ chưa xài hết, phần còn lại đi vào đất.

Những di lụy của phân người hay phân thú vật không kéo dài vì những thứ hữu cơ phân hủy rất nhanh. Trong lúc phân hóa học luôn có dư thừa (gọi là run off?). Hàng triệu tấn phân hóa học đổ vào các cánh đồng bắp ở MidWest chảy vào sông Mississippi xuống mãi đến Vịnh Mexico.

Tuệ Tôn

12-Jan-2011

Method of converting sewage sludge to fertilizer

United States Patent 4519831

" A method of converting sewage sludge solids into dense controlled release, attrition resistant fertilizer agglomerates is disclosed. The method is carried out by forming a fertilizer premix from dry sewage sludge solids and uncondensed liquid ureaform. Acidic material, preferably phosphoric acid, is distributed throughout the premix to bring the pH to between 4 and 6, and the premix is heated for 5 to 60 minutes to 120° C. The heated premix is compressed between solid surfaces at pressures between 500 and 10,000 pounds per square inch to form agglomerates.

The method is preferably carried out on a continuous basis using a heated blender and conveyor for blending and heating the fertilizer premix containing the sewage sludge solids, liquid ureaform, and phosphoric acid. Continuous compacting rollers are used to convert the premix to fertilizer agglomerates which may be readily broken up and screened to any desired fertilizer particle size range.

The fertilizer produced releases nitrogen safely and at a slow rate. Complete fertilizers may be produced by the method of this invention, and worthless, very light weight sewage sludge solids may be converted to useful plant food products."

*********************************************************