WELCOME TO BLOGGER VQGĐC

THÂN CHÀO QUÝ BẠN
CLICK HERE TO OPEN

Tất cả hình ảnh, những hoạt động cùng cơ sở Định Chuẩn rồi cũng cùng với thời gian rơi vào khoảng không
Nếu còn gì rớt lại chỉ là những tình cảm của những con người đã một thời làm việc chung dưới một mái nhà
mà nay đả tản mác khắp bốn phương trời
Ninh Vũ / Phòng Thí Nghiệm VQGĐC

Thursday, January 6, 2011

HÌNH ẢNH HOÀI NIỆM

Hoài niệm

Thời gian đi qua nhanh quá, thấm thoát mà đã gần 30 năm xa quê hương, bị cuốn hút vào cuộc sống mới, cứ ngỡ rằng những kỹ niệm ngày xưa phải chôn chặt và đành mang theo. Nhưng một duyên lành bất chợt đến, trong tháng 8 năm 2007 hai anh Lê Dư Khánh và Dương Hiển Hẹ, hai nhân viên cũ thuộc Viện Quốc Gia Định Chuẩn liên lạc được với nhau, và từ đó các anh chị em của Viện Quốc Gia Định Chuẩn ở nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu liên lạc được với nhau. Thật là hạnh phúc. Riêng tôi, những hình ảnh cũ và những cảm niệm dâng trào thành những dòng chữ này gởi cho các bạn thân thương như một chất keo dính những mảnh đời tạo thành gia đình Định Chuẩn đã một thời ôm ấp.

Tôi xin vào cơ quan lúc đó còn mang tên Viện Định Chuẩn chứ chưa đổi thành Viện Quốc Gia Định Chuẩn như sau này, lúc mới nhận việc, trong đầu tôi không có một ý thức gì về công việc sắp phải làm. Có lẽ hai chữ “Định Chuẩn” còn quá mới với tôi lúc đó. Tôi được ông Phí Minh Tâm, Giám Đốc của Viện Định Chuẩn phỏng vấn khoảng giữa năm 1966, khi đó bàn làm việc của ông còn ở trên lầu 2 của Bộ Kinh Tế.

Khi tôi được tuyển dụng, nếu tôi không quên, thì văn thư được ký bởi ông Giám Đốc Nha Hành Chánh Nhân Viên của Bộ ; lúc đó là cụ đốc phủ Nguyển Văn Biện, mà sau này tôi được gặp cụ thường hơn, đó là thời gian sau 1973, cụ về hưu và dọn về cư xá Thanh Đa. Căn hộ của cụ ở trên lầu 1, nằm trên căn hộ của tôi tại Lô N. Cụ là người gương mẫu, nổi tiếng thanh liêm và được mọi người kính nể.

Khi tôi nhận việc năm 1967, thì Viện Định Chuẩn đã có trụ sở nằm ngay góc Tự Do và Gia Long, đối diện với Bộ Kinh Tế, địa chỉ 30 Gia Long. Trụ sở này là toà nhà hai tầng, mà Viện Định Chuẩn nằm ở tầng trệt, còn trên lầu thuộc cơ quan khác.

Tôi rất vui khi bắt đầu làm việc cho Viện, vì mọi người đều rất thân mật và hòa ái. Ngoài ông Phí Minh Tâm là Giám Đốc, trước khi được biệt phái vê VDC, tôi còn gặp anh Lê Dư Khánh và anh Lê Tấn Kiệt, sau này giữ chức vụ chánh sự vụ, anh Đinh Nguyên Trình Giang làm chủ sự, ông Trần Tình, chủ sự phòng Hành chánh, ông Nguyễn Long Hội, anh Cao Ngọc Tú, anh Bùi Văn Cảnh, Phạm Thư Hùng làm thư ký đánh máy. Sau đó không lâu thì chị Trần Thị Vi vào tăng cường thêm nhân số. Thời đó, ngày nào tôi cũng thấy chồng chị Vi là anh Quý dựng xe vespa trên lề đường Tự Do bên hông Viện để đón chị . Thật là hạnh phúc cho một cặp vợ chồng mới lấy nhau.

Vì trụ sở nằm ngay trung tâm thành phố Saigon, giữa bao nhiêu chứng tích nhắc lại ai trong chúng ta cũng có ít nhiều kỷ niệm. Nào là nhà thờ Đức Bà, và nhà Bưu Điện ở phía sau lưng Viện đi trên đường Tự Do về hướng đường Thống Nhất .

Công viên Catinat ở góc chéo bên kia của Tự Do và đường Gia Long. Nó nằm đó như một nữ trang tô điểm cho con gái mỹ miều Saigon, kỳ dư tôi rất ít thấy người dạo chơi nơi công viên này.

Thả bộ trên đường Tự Do về hướng ra bờ sông Bạch Đằng thì rất vui và không thấy cô đơn, vì lúc nào cũng có nhiều khách bộ hành cùng rão bước trên đường nhỏ rợp lá cây xanh. Bên đường có nhiều cửa hàng bán đồ cổ, quần áo, nữ trang và nhà hàng ăn như nhà hàng La Pagode ngay góc Tự Do và Lê thánh Tôn. Tiếp tục đi thì sẽ gặp nhà sách Xuân Thu, và ngay góc đường Tự Do Lê Lợi là nhà hàng Givral. Đối diện đó là khách sạn kể như lâu đời nhất Sàigon là khách sạn Continental. Rồi trụ sở Quốc Hội nhìn ra đường Lê Lợi chạy thẳng tắp về hướng chợ Bến thành và công trường Quách thị Trang. Đường Lê Lợi là đại lộ qui tụ nhiều cửa hàng và những cao ốc được nhiều người biết đến, đó là thương xá TAX, mà trước 1950 gọi là Le Grand Magasin de Charner. Đối diện Tax bên kia đường Lê Lợi là khách sạn và rạp hát REX mà những năm 1954 khi người Pháp rút quân khỏi Việt Nam theo hiệp định Genève thì người Mỹ vào miền nam Việt Nam, đây là trụ sở phòng thông tin Mỹ.

Gần đó là Tòa Đô Chánh, nằm trên đường Lê thánh Tôn nhìn ra đường Nguyển Huệ, thời Pháp gọi là đường Charner, chạy dài ra sông Bạch Đằng.

Trước 1954 trên mặt tiền của Tòa Đô Chánh có ảnh của quốc trưởng Bảo Đại và khi ông Ngô Đình Diệm về nước và trưng cầu dân ý năm 1955, người ta mới gỡ bỏ bức ảnh xuống. Tại Tòa Đô chánh, ngày xưa tôi có vào xem xổ số và nghe quái kiệt Trần văn Trạch, đi chiếc xe hơi loại antique mui trần, hát bài : "kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta, mua lấy xổ liền, giàu sang mấy hồi. Triệu phú đến nơi, chỉ mười đồng thôi …." và thỉnh thoảng tại đó cũng có hội chợ từ thiện của các soeurs tổ chức.

Cũng trên đường Lê Lợi, có nhà sách Khai Trí, và hai rạp hát đó là rạp Casino góc đường Lê Lợi Pasteur và rạp Lê Lợi gần nhà thương Saigon.

Quay lại đường Tự Do đi về hướng sông Saigon cho vui. Thời Đệ Nhất Sàigon với vị nguyên thủ miền Nam là Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Khi người Mỹ vào Việt Nam) thì khách sạn Caravelle được xây dựng ở góc đường Tự Do, cạnh Quốc Hội cũ, nay là nhà hát thành phố, đối diện với khách sạn Continental. Caravelle có lẽ là cao ốc cao nhất và hiện đại nhất Saigon của thập niên 50.

À quên, chúng ta đi lố rồi, trước khi tới nhà hàng Givral, chúng ta có thể vào xem cinéma tại rạp Eden. Rạp hát này nằm trong..thương xá Eden có từ thời Pháp, trong đó nhiều tiệm bán đủ loại hàng đắc tiền, như áo quần, thời trang, kim hoàn, đồng hồ; v.v. mà tôi chỉ nhìn tủ kiếng do tính tò mò thế thôi chứ không dám bước vào vì không tiền mua, và chủ tiệm cũng không buồn mời kẻ kiết xác này.

Qua khỏi Caravelle, chúng ta có thể vào xem phòng tranh sơn mài nổi tiếng của Thành Lễ. Tranh sơn mài của Thành Lễ nổi tiếng cả về chất lượng và mỹ thuật. Một bức tranh khổ lớn trong dinh Độc Lập cũng do xưởng tranh của Thành Lễ ở Bình Dương sản xuất. Ngày còn học trung học, tôi cũng có lúc lang thang khu trung tâm và có dịp đứng xem rất lâu những bức tranh bày bán trên hè phố của họa sĩ Bé Ký. Tranh Bé Ký rất đặc biệt, chị vẽ tranh caricature (phỏng họa, khôi hài) những sinh hoạt đời thường. Tôi rất xúc động với hình ảnh chiếc xe thủ mộ đầy nhóc người và hàng hóa, con ngựa ốm trơ xương đang cố vươn mình tới trước để kéo gánh nặng phía sau bất xứng với tấm thân bé nhỏ của mình.

Tiếp tục đi, thì lại gặp rạp cinéma Vĩnh Lợi trên đường Lê thánh Tôn. Chỉ có quanh khu trung tâm thành phố, mà có bấy nhiêu rạp chiếu bóng, thế mới biết dân Saigon của thập niên 50, 60 rất ưa xem cinéma. Tôi ngày đó lấy đâu ra tiền mà xem phim ở các rạp lớn này. Bọn tôi chỉ lấy program làm collection cho vui, còn xem phim thì sang tận cầu Ông Lãnh vào rạp Nam Tiến để xem cho rẻ, nhưng vui.

Đi thêm chúng ta sẽ đụng vũ trường Tự Do, nơi lui tới của văn nghệ sỉ và giới trung lưu của thành phố.

Cuối đường Tự Do là đường Bạch Đằng chạy dọc theo sông Saigon. Ngay góc đường chúng ta thấy khách sạn Magestic, kiến trúc rất đẹp có từ thời Pháp, cạnh đó là nhà hàng vũ trường Maxim do cố nhạc sỉ Hoàng thi Thơ khai thác.

Bạn có thể đi hóng mát bằng cách đi tản bộ dọc theo bờ sông, hít thở không khí trong lành. Cột cờ Thủ Ngữ là một điểm rất đặc thù của dòng sông này, nó nằm cạnh cây cầy quay bắc sang bên kia là nhà Rồng để đi về hướng Khánh Hội và Nhà Bè.

Tất cả khu vực xung quanh Viện Định Chuẩn mà chúng ta vừa đi một vòng tham quan cho biết sự tình, thuộc Quận nhứt và một phần của Quận nhì thuộc thành phố theo phân định của Saigon trước năm 1975 .

Chúng ta phải trở về sở để làm việc chứ đi nghêu ngao phố phường hoài thì sẽ bị cà răng. Tuy ông giám đốc và các vị chỉ huy còn trẻ và dễ thông cảm, nhưng tác phong làm việc rất tiên tiến vì các vị đều đã đi học ở nước ngoài, hấp thu phong cách làm việc khoa học và rất chuẩn.

Công việc của tôi lúc đó là dịch một số tiêu chuẩn ISO và các tiêu chuẩn của các quốc gia khác liên quan đến những sản phẩm Viện đã đề ra trong chương trình thăm viếng các cơ sở sản xuất và kiểm tra chất lượng, tham khảo các tiêu chuẩn của xí nghiệp.

Tham gia các phiên họp của Viện gồm các đại diện giới sản xuất và tiêu thu, cơ quan kiểm tra, Tổng đoàn Công Kỹ Nghệ Việt Nam, Phòng Thương Mại và Công Kỹ Nghệ Saigon, các cơ quan khoa học kỹ thuât, một số Cục và trung tâm kỷ thuật trong QLVNCH (Cục Mãi Dịch, TT Khảo Sát Kỷ Thuật Quân Nhu…). Tùy theo sản phẩm làm đề tài cho tiêu chuẩn, Viện còn mời đại diện của các nha và trung tâm thuộc Bộ Kinh Tế như Nha Kỷ thuật, Trung Tâm Khuếch Trương Kỷ Nghệ, Trung Tâm Khuếch Trương Xuất Cảng, v.v… Nhân viên Viện DC vừa chủ tọa vừa là thuyết trình viên. Từ phiên họp đầu tiên với dự thảo tiêu chuẩn đến khi tiêu chuẩn được chấp thuận và ban hành, đã trải qua quá trình của sự tham khảo, thảo luận và thử nghiệm của các giới liên hệ.

Tháng 8 năm 1967, tôi được gọi nhập ngũ khóa 24 Thủ Đức. Khi biến cố Tết Mậu Thân xẩy ra, tôi còn trong quân trường, sau đó học quân cụ và thuyên chuyển về Bạc Liêu. Ở đơn vị không lâu thì được biệt phái về cơ quan cũ. Lúc đó Viện đả xây được phòng thí nghiệm trên Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa. Cơ quan USAID có chương trình viện trợ cho Viện những máy móc thí nghiệm cùng những hóa chất. Khi Viện nhận được hàng viện trợ thì chuyển lên Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa. Phòng thí nghiệm được dùng làm kho chứa hàng. Thời đó, ngoài sân, cỏ mọc cao đến đầu gối. Một hôm kẻ trộm phá cửa kính vào lấy đồ. Họ dùng giấy cuộn lại, đốt làm đuốc soi sáng, vì phòng thí nghiệm chưa có điện. Tôi được cơ quan giao cho việc sắp xếp hóa chất nhận được. Một căn phòng ở cuối dãy mà sau này là Phòng Hóa được dùng làm kho.

Do tình hình kỹ nghệ ở Miền Nam lúc đó, Trung tâm thí nghiệm của Viện gồm các phòng : Phòng Công Nghiệp Nhẹ kiểm tra các sản phẩm cao su, giấy và vải sợi; Phòng Hóa; Phòng Điện, và Phòng Cơ Khí.

Ở Sàigon Văn phòng Viện đã dời về 31 Hàn Thuyên, bên hông Dinh Độc Lập ,và Viện cũng có chiếc xe bus mới toanh đưa nhân viên đi và rước về từ văn phòng Viện đến Phòng Thí Nghiệm thuộc khu kỹ nghệ Biên Hòa.

Để có thêm kinh nghiệm bên ngoài ,Viện đả gởi nhân viên đi tu nghiệp khắp nơi. Anh Lê Dư Khánh đi Iran và Hoa Ky, anh Đinh Nguyên Trình Giang đi Nhật Bản và Hoa Kỳ, tôi đi Hoa Ky và Hòa Lan, chị Trần Thị Vi, cô Nguyễn Hoa Tâm, cô Bùi Tường Loan và cô Trương Thi Như Thủy đi Hoa kỳ, anh Đinh Văn Tân đi Nhật, anh Lê Tấn Kiệt đi Pháp vào tháng 3-1975 rồi kẹt lai đó cho đến ngày hôm nay. Trong thời gian tu nghiêp tại Hoa Kỳ, tôi có một tuần thăm viếng cơ quan Định Chuẩn Hoa Kỳ N.B.S (National Bureau of Standards) ở Maryland thuộc Washington D.C. Cơ quan này qui tụ trên 500 chuyên viên gồm nhiều PhD, Master đầy kinh nghiệm nghiên cứu. Cơ quan được trang bị cần thiết để nghiên cứu, thử nghiệm những lảnh vực thiết yếu được hoạch định trong quá trình phát triển. Sử dụng những cơ sở thí nghiệm tư nhân đả được công nhận, khai thác các kết quả thử nghiệm trong qui trình kiểm tra chất lượng, tranh chấp, và qui trình thiết lập tiêu chuẩn quốc gia.

Phòng thí nghiệm tôi thực tập tại Hoboken, New Jersey năm 1971, là một phòng thí nghiệm tư nhân, chuyên thử nghiệm vật liệu nhẹ như giấy, cao su, vải sợi và những sản phẩm khác mà tôi không có thời gian tìm hiểu. Phòng thí nghiệm này đã bắt đầu hoạt động từ thập niên 50, và qui tu nhiều giáo sư đại học và chuyên viên giàu kinh nghiệm.

Trước 1975 ,Viện quốc gia Định Chuẩn tại miền Nam cũng hoạt động theo chiều hướng đó. Viện đã trở thành cơ quan tự trị hầu có thể hoạt động độc lập, khách quan , và có ngân khoản tài chánh riêng để phát triển và cải thiện lương bổng cho nhân viên. Viện đã thu nhận nhiều chuyên viên được đào tạo kỹ càng, trẻ trung và đầy nhiệt tâm.

Tất cả hình ảnh, những hoạt động cùng cơ sở Định Chuẩn rồi cũng cùng với thời gian rơi vào khoảng không. Nếu còn gì rớt lại chỉ là những tình cảm của những con người đã một thời làm việc chung dưới một mái nhà mà nay đả tản mác khắp bốn phương trời.

Ninh Vũ