Cảm ơn các bạn đã tiếp nhận với hảo ý bài Tình Yêu gởi
nhân ngày Valentine. Qua các email phúc đáp, tôi sực nhớ đến hình ảnh của người
chị trong câu: vòng tay chị chấn
ngang vùng sợ hãi. Chị sinh 1930 Canh Ngọ vừa qua đờiTết Con Rồng 2012,
một ngày trước khi Ông Táo về chầu trời.
Chiến tranh Việt Pháp 1946 đã đưa anh chị em tôi vào tình trạng
các bạn cứ tưởng tượng như bỗng dưng con cái các bạn ra đường sống cuộc đời
homeless. Chị không đi học tiếp mà sống nơi nhà thờ họ ngoại với ông trưởng tộc
nghèo, chung nhau tìm cách sống qua ngày. Rồi chị cũng lớn lên sống với nhà
chồng gần Đàn Nam Giao. Còn nhớ ông
cha chồng có nói với dì tôi: Thưa bà Lãnh (chồng lãnh binh), nếu không có sự
đảo lộn thì làm sao tôi có thể đến nhà bà xin cưới dâu.
Cái hảo huyền xã hội ấy không phải là điều tôi muốn ghi lại. Điều
chính yếu muốn nói là nhờ những đổi thay xã hội ấy, chị tôi vì nghèo, ít học,
đã không làm gì có thể hại ai, mắng chưỡi ai, tống tiền, cho vay cắt cổ, gạt
gẫm, kể cả không có dịp làm những sai lầm ngoài ý muốn như phạt tù kẻ vô tội.
Chị tôi hay cúi nhìn xuống đất, nghĩa bóng và đen. Chị luôn hất cục đá vô lề, lượm những cành gai, những mẻ chai mẻ sành,
đinh… sợ người ta đạp què giò.
Thỉnh thoảng chị gánh xuống chợ Bến Ngự bán những sản phẩm nhà vườn. Nghe ghê quá. Nhưng chỉ có:
một trái mít non, một mụt măng tre pheo, vài mụt măng cán dáo, mươi trái vả,
vài bó chè xanh, trái thơm non.
Trái thơm là trái thơm non, đem về trộn mắm ăn chon như dừa.
Quan trọng và đầy màu sắc là cái ngãu ớt mọi, ớt tím, ớt chìa
vôi, còn xanh còn hườm theo thị hiếu ở Huế.
Khi nào trời thưởng, thì có thêm nhúm nấm mối mọc dưới lá tre mục, hoặc vài ba
chục tai nấm mèo phơi còn ẩm.
Mấy thứ ấy không nặng bằng một thùng nước nên chị kèm theo năm
bảy bó củi. Mấy bó củi nầy đầy tính chất phấn son, cosmetic. Bên ngoài là những
liếp gỗ mỏng trắng tươi từ thân cây dương liễu; bên trong đủ thứ tầm khào, kể
cả nhánh vông gai xốp. Chẳng che dấu lường gạt ai được nhưng cái đẹp cũng câu
khách, có giá vậy. Quanh xóm ai cũng nghèo, cho nên không thể mua đi bán lại,
có chi bán nấy. Tường trình đầu tiên khi ở chợ về chỉ có hai chữ hoặc “gạo hơn”
hoặc “gạo thua”. Đến nay tôi chưa hiểu vì đâu có hai thuật ngữ ấy, gạo hơn là
giá hạ, gạo thua là giá cao; tạm hiểu cùng một số tiền, thua là bớt gạo; hơn
thì thêm một chút.
Nhưng gạo đã làm chị bận tâm một cách khác vào tuổi đôi tám
(1945). Hơn mười năm trước, tôi có về Huế
lo dời mô mã tổ tiên bị giải tỏa khu núi Ngự
Bình. Tôi chẳng đi đâu, ngoài công việc chính yếu trên. Tôi lẫn quẩn trong
vườn và tìm gặp những thứ chị mang đi bán như nói trên. Cây chè đã lão hóa,
thân hình cổ quái như những cây bonsai. Mấy cây mít chỉ có trái lèo tèo như
trái bưởi ở trên cao, không ở gốc, chúng có cái tên không đẹp nhưng rất thông
dụng ở Huế là mít đọt. Mấy bụi thơm
có trái chín như hồi nhỏ người lớn hay đố, mặc áo điều áo đỏ ngồi chỏ hỏ sau
nương. Cây vả xưa đã chết, mới trồng cây con.
Chiều hôm trước ngày trở lại Saigon,
hai chị em ngồi yên lặng dưới giàn hoa. Bỗng nhiên chị tôi nói: Ba rất kính trọng người ăn mày.
Đến đây các bạn sẽ hiểu vì sao tôi nói chị bận tâm về gạo. 1945
thì chị đã 15, tuổi ta là mười sáu đôi tám là đúng rồi, cái tuổi đủ để nhớ và
biết nhiều. Chị nói vào kỳ đói, gia đình tôi nấu cháo từng nồi lớn, mỗi người
đi qua được mời một tô cháo trắng. Chị múc và cha tôi hai tay dâng
bát (cái đọi) cháo rồi vái lạy người người ăn. Mỗi người chỉ có một tô, đi
quanh đi quất đâu đó trở lui ăn nữa nhưng ăn liền tô thứ hai thì không được.
Của ít người nhiều.
Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh đãi cháo ấy; có lẽ nấu đâu ngoài
chợ vì nhà tôi ở trong kiệt. Nhưng tôi nhớ mồn một cha tôi mua nhiều gạo lắm
(trẻ con thì thấy gì cũng to lớn, cũng nhiều). Tự nhiên cái chái trước thành
chỗ cao chỗ thấp cho tôi nhảy lên nhảy xuống. Chị phải lo đem gạo cho bà con
tận Cồn Hến, có khi qua đò nước lụt
rất ghê sợ.
Năm đó cha tôi đi buôn gạo với bác Thanh, tức là cha của nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn. Tôi còn nhớ bác Thanh có đến nhà tôi một lần. Sau hồi cư tôi có
thấy vài lần trên xe vespa trước khi bác chết vì tai nạn xe cộ trên đường từ
phi trường Phú Bài về Huế. Tôi không
hiểu số gạo để tại nhà để đem cho bà con lối xóm hay nấu cháo có phần của bác
Thanh hay không. Tuy vậy tôi luôn nguyện hồi hướng công đức cho bác Trịnh
Thanh. Việc nầy tôi nghĩ TCS cũng không biết, huống hồ cậu em rể Hoàng Tá
Thích. TCS, tôi nghĩ, không biết sự quen biết giữa cha tôi và cha của ông trừ
phi khi bác Thanh gái kể cho nghe. Tôi không quen biết TCS; chỉ có một lần tôi
đi cùng với một người bạn vô Bộ Thông Tin yêu cầu Ban Kiểm duyệt thông qua
bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, lần ấy ông nhạc sĩ cũng đi chung.
Nói cho rõ thêm, việc can thiệp nầy là do ông bạn còn tôi chỉ tình cờ đi theo.
Trước và sau vụ gạo nầy, cha tôi thật sự là homeless, nghĩa là
ông chỉ lo đâu đâu ngoài đời. Ông tom góp mọi thứ trong nhà để lo cho tuần lễ
đồng, tuần lễ vàng. Mẹ tôi mất sớm nên chị lo cơm nước cho mấy em.
Chị tôi gánh những gánh củi xuống chợ bán, lúc chợ ế phải gánh
rong quanh Bến Ngự bán cho những
người cùng thời với cha tôi. Sau chiến tranh họ vẫn còn làm chủ tiệm
vàng, tiệm xe đạp, quán giải khát (buvette), chủ bàn ping pong, chủ tiệm tạp
hóa v.v…Con cái của họ xưa kia cùng đi học bây giờ áo quần bảnh bao
không rách vá như chị. Không ai dám nhìn. Riêng chỉ có ông bà Viên Lang nhận
ra, mời ăn cái bánh và chén nước. Dĩ nhiên những người như mụ Giá quét chợ thì
trò chuyện huyên thuyên như ngày xưa vô nhà xúc gạo về ăn.
Cái nghèo chẳng có gì đáng khen hay đáng trách. Nhưng cái hay của cảnh hàn vi là nó giúp
mình không có phương tiện sách hại ai. Đó là trường hợp của chị tôi. Chị
tôi dốt, không biết thiền là gì và cũng không biết bát văn cửu vạn là gì, không
biết điều khiền 16 ông tướng qua bốn vùng chiến thuật xanh đỏ trắng vàng; không
biết champagne ra làm sao. Chị không biết thập ngưu đồ của thiền học. Chính chị
không biết đời mình là một ngưu đồ, suốt đời tận tụy và âm thầm nghiền ngẫm sự
việc chung quanh như trâu nhai lại.
Tôi tin tưởng cuộc đời vô
cầu, vô tạo, vô lụy đã cho chị tôi một sự ra đi nhẹ nhàng. Vào nhà thương
khám bệnh định kỳ, đột nhiên hôn mê và từ giả mười giờ sau. Đây là một ví dụ,
một trường hợp cụ thể của triết lý Kim Cang, đến từ hư vô và trở về với hư vô,
hay nói chẳng có đến chẳng có đi. 82 tuổi đời e chừng đã có gần 70 tuổi
đạo, cái đạo vái lạy kẻ nghèo
đói, đạo chắp tay lạy người.
tôn thất tuệ
Georgia / USA