Trích một phần trong http://www.trandang.net
Kể từ ngày xa quê hương cách đây trên 32 năm, mỗi khi nghe tiếng hát “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có con sông uốn khúc lừng quanh về xuôi ..” thì lòng tôi se thắt lại, với nổi nhớ nhung quê hương tha thiết. Làng tôi cũng có ba cây đa cổ thụ hàng mấy trăm tuổi, không có sông, nhưng có một cái bầu rộng như một dòng sông, cũng uốn khúc bao quanh làng.
Thôn Lạc Lợi của tôi bao vây ở ba mặt chung quanh bởi một con bầu khá rộng lớn, bắt đầu và chấm dứt cũng trong phạm vi của thôn tôi, chạy uốn khúc vòng cung như một con rồng dài cở ba cây số, làm ranh giới thiên nhiên với các thôn Quang Thạnh và Thanh Minh. Còn một mặt kia là một lạch nước chảy khá lớn, như một con sông nhỏ, bắt nguồn từ Suối Cam của Hòn Bà, chảy ngoằn nghèo như một con rắn lượn, là ranh giới thiên nhiên với thôn Gò Cà, và khi đến phạm vi cuối thôn tôi thì nhập vào đuôi bầu, trước khi dòng nước chảy tưới vào cánh đồng Thanh Minh kế cận. Tôi không biết phong thuỷ có linh ứng cho con cháu hay không, tôi không dám khẳng định, tôi chỉ biết chắc chắn rằng, nhờ vị trí địa dư bao quanh bốn bên bởi bầu rộng và mương lớn, mà thôn tôi rất an lành trong mấy cuộc chiến tranh mà tôi từng chứng kiến. Trong thời Tây, nếu các thôn ấp chung quanh bị Tây ruồng bố, đốt phá nhà dân nhiều lần, thì thôn tôi vẫn an lành, chưa hề có lính Tây đến lần nào…………… bởi vì muốn vào được thôn làng tôi, bắt buột phải qua một trong ba cái cầu khá dài - Cầu Bè, Cầu Suối Đăng và Cầu Rọc - không có đường nào khác, mà trong thời trước là ba cái “Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi”, nếu vô được tới làng mà lở dân rút bớt một nhánh cầu đi, thì coi như không có đường về. Một điều lạ nữa, là cả dòng họ của tôi, sống trong thôn hay nơi khác, không có một gia đình nào bị mất mát nhân mạng hay thương tật trong mấy cuộc chiến vừa qua. Con cháu cho là phúc đức của ông bà.
Ba con đường dẩn vào làng từ ba cái cầu này gặp nhau tại ngả ba trung tâm làng, nơi có một cái đình, một cái miểu rất cổ kính, trang nghiêm, và ngày xưa, trước 1948, còn có một cái điếm canh bằng gạch. Đây là khu vực có địa thế cao nhất trong làng, ngay cả lụt lớn nhất năm ngọ (1923) và năm thìn (1940) nước lụt cũng chỉ mấp mé khu này, trong lúc ngập tới mái nhà ở khu Cầu Rọc.
Miểu, ở ngay cạnh ngả ba đường, trên khu cao ráo nhất làng, rất cổ kính, có lẻ được xây cất trước đình, để thờ các oan hồn, tử sỉ, trên đường nam tiến trong thời chúa Nguyễn. Làng tôi vốn là nơi chiến địa giữa người Việt và Chăm cách đây trên 300 năm. Ngôi miểu có nhiều cổ thụ cả vài ba trăm tuổi. Đặc biệt có cây đa với hai gốc chặp lại thành một cây cao ngất trời. Hai cây sung cổ thụ khác, ngay cổng, hai ba người ôm không hết vòng gốc cây, có nhiều hốc cây, nên nhiều cắc kè sinh sống, nhiều ổ chim chích choè và két. Vào mùa sung chín, sung chín đỏ cây và rụng đầy gốc, lôi cuốn hàng ngàn chim chóc từ rừng bay về, là nơi anh em tôi thường đến bắn chim. Các cây cổ thụ này đã bị ngả chết vì bảo cách đây khoảng 7-8 năm. Ngôi Miểu cũng bị sập và được xây cất lại, nhưng không giữ được vẻ cổ kính của ngày xưa.
Đình làng cũng đã được xây cất từ lâu đời, có lẻ từ thủơ ông tổ của dòng họ tôi đến lập nghiệp cách đây trên 200 năm…..
Vì nhờ bầu mương bao bọc, làng tôi rất an ninh. Đêm trăng vẫn nghe tiếng hát, câu hò trong mùa gặt lúa hay mùa mía làm đường. Khuya khuya, nghe tiếng cối giả gạo để sáng mang gạo ra chợ bán. Vì là một làng bé nhỏ, ai nấy đều quen nhau, biết cả tính nết của nhau. Một câu vè được dân làng mô tả cho mỗi ngừơi dân được truyền tụng vào giữa thập niên 1940s: “Nghe vẽ nghe ve, nghe vè ông Hương Tám, hay đi ăn đám là chú Ba Trà, mỗi chút mỗi la, là bà Hai Tót, chân đi nhảy nhót là chi Bảy Quy, ăn nói sân si là anh Tám Lẻo, hay ưa nhỏng nhẻo là mẹ con Ba, … và đến phần mô tả Má tôi : “Tay đi phe phẩy là chị Mừơi Sâm, chân đi âm thầm là ông Hai Tối, ưa hay nói lối, là …”. Rất tiếc là tôi lúc đó còn quá nhỏ để thuộc hết khoảng 50 câu, mô tả khoảng 50 người lớn trong làng. Có một điều, trong bài vè này không ai dám mô tả Cha tôi. Bởi vì ai ai cũng kính nể Cha.
PhD Trần Đăng Hồng / Reading,England /12/14/2007
( Bạn của chủ nhiệm Blogger, lớp 1961-64 )