Lời Con Sáo Tân Quới / VN
Nhà tranh vách lá đón ngàn sao
Nghĩa cũ tình xưa lệ ứa trào...
Cửa khóa then gài không muốn mở
Mẹ cha về trước, con về sau
Nơi mẹ cha đi không vướng mắc
Lầu xe cơm áo, chẳng công hầu
Đường về An Lạc không vương bụi
Kẻ ở cô đơn đến bạc đầu.
Thu Hương Sa Mạc Arizona / USA / 2011Tân Quới / VL,/VN (2005).....
Hình bóng mẹ tôi hiện về trong ký ức....
Cách đây trên một tháng tôi đã về Tân Quới...tự coi như về đó để sống như kẻ bị cấm cung.
Mỗi khi tôi ra khỏi nhà, Má tôi ngồi trước cửa đợi chờ. Bà nhất định không vào nhà, có khi ngồi ngoài ngỏ đến mười một hoặc mười hai giờ khuya, trong khi đó tôi đã đi ngủ từ lâu !!! Vì biết như thế, cho nên tôi gò bó sự đi lại của mình để Má tôi được yên lòng.
Má tôi năm nay trên tám mươi lăm tuổi. Một bà lão đang sống lại tuổi ấu thơ. Chuyện ngày xưa không quên một chi tiết nào cả. Thế nhưng chuyện ngày nay hoàn toàn không nhớ nữa, dù Bà rất tò mò muốn biết tất cả mọi việc về cuộc sống đầy phức tạp của con cháu và thân nhân xa gần.
Đôi khi Má tôi có vẽ đâm chiêu buồn, khi tự biết trí nhớ đã bị lu mờ. Tôi buồn lây và hay đùa nhẹ rằng:
"Người ta quẳng gánh Lo đi mà vui sống, còn Má nên quẳng gánh Nhớ đi để vui sống, chớ tội gì ngồi buồn.”
Má tôi rất may mắn. Bà được sống gần những người thân thương từ thuở về làm dâu, chớ không nằm trong viện Dưỡng Lão như những cụ gìa trên xứ Mỹ. Nhất là khi con đi làm, cháu đi học, ra vào đơn chiếc y như trẻ mồ côi, đôi khi có cảm giác như ở tù giam lỏng !
Tôi vui khi nghĩ đến Mẹ gìa. Người Mẹ già đã một đời đầy chịu đựng : Một bà gìa còn tồn tại sau bao năm chiến tranh, nhất là sau hàng chục lần “đi biển mồ côi một mình”. Bà đã nhìn đứa con ra hải ngoại, không hẹn ngày về. Bà đã nhìn những đứa con bị đi động viên để làm nhiệm vụ công dân. Khi đất nước được thanh bình, bà cũng nhìn các con được nhà nước chiếu cố, cho đi học cải tạo để đền đáp nợ núi song !
Nhìn thấy các em chồng, con cháu ra đi vì bổn phận, để rồi bị tù đày cũng vì bổn phận, làm sao không khỏi đau buồn, nhưng không một lời thở than, ai oán....
Thế rồi đàn con trai nhỏ tiếp tục lớn lên với viễn ảnh được đưa sang Miên làm nghĩa vụ công dân: Ngày trở lại sẽ là phế nhân hay mất xác? Sống trong hoàn cảnh lịch sữ như thế tương lai con cháu sẽ đi về đâu? Má tôi đành nhắm mắt cho các em tôi đi chui ra hải ngoai, dù biết những chuyến đi như thế là thập tữ nhất sinh.
Những Bà Mẹ Việt Nam với lòng thương con bao la, hy sinh cho con cái ra đi, đã đánh liều với bể cả thật đáng kính muôn đời.
Má tôi ở lại, âm thầm sống thanh đạm, chăm lo săn sóc mồ mã cha ông. Bà mỏi mòn chờ đợi con, em đi học tập trở về. Bà đã chứng kiến ngày trở về, có kẻ ra đi vĩnh viển vào lòng đất lạnh vì bịnh tật!
Má tôi như cây cổ thụ gìa nua trong khu rừng vạn mộc: Một trong những cây tre gìa còn sót lại giữa những mầm non đang bừng sức sống trong đất nước thái bình.
Bà là gạch nối giữa chúng tôi với tiền nhân, với Tổ Tiên. Qua sự rèn luyện của bên Ngoại và bên Nội tôi và những người đã sống trước Nội-Ngoại tôi : Bà là hiện thân của một nền văn hóa cũ.
Má tôi là một bồ kinh nghiệm sống. Bà đang lẳng lặng sống cuộc Sống của Tiền và Hậu thế kỷ XIX...XX...XXI ... dựa theo những mẫu chuyện hàng ngày bà kể cho con cháu nghe.
Tuy sống xa quê hương nhưng không bao giờ tôi cảm thấy xa Má tôi.
Khi tôi thức, tôi biết rằng Má tôi đang yên giấc nơi quê nhà.
Khi tôi ngủ, tôi biết rằng Má tôi tiếp tục cuộc sống hàng ngày như chẳng có chuyện gì xảy ra trên thế giới.
Bao giờ Má tôi cũng bận rộn đốt nhang, đốt đèn trên các bàn thờ. Khi tàn cây nhang nầy là cây khác được đốt tiếp theo.
Lúc nào trên bàn thờ cũng có một bình nước trà nóng để mời mọc bất cứ ai ghé thăm.
Má tôi bình thản, an nhàn y như một nhà hiền triết thật sự, tuy không bao giờ dự một lớp Triết học nào cả. Tôi tin rằng Má tôi Thiền hơn các Thiền Sư nơi hải ngoại mà tôi có cơ hội diện kiến.
Con cháu xa gần sẽ không bao giờ quên được hình bóng thân thương của Má tôi trong những năm tháng gần đây sau khi Ba tôi qua đời.
Trên năm năm qua, ngày ngày trong mỗi buổi ăn, Má tôi vẫn mời Ba tôi ăn cơm y như Ông còn trên cỏi thế. Đôi khi nghe Má tôi nói với tất cả sự thành thật mà không khỏi động lòng :
-“Lúc Ông còn sống, Ông ăn uống ở đây. Bây giờ Ông có linh thiêng về ăn cơm với con cháu cho vui.”
Trên năm năm, bao giờ cũng có một chén cơm, một đôi đủa và một cái ghế bên cạnh Má tôi. “Chổ của Ba mầy”.
Chỉ có một mình tôi là hơi hổn láo, đôi khi không có ghế nào khác hơn, tôi hỏi đùa:
-" Chắc Ba ăn xong rồi hả Má? Cho con ngồi ghế của Ba nghen?”
Má tôi cười rất hiền hậu, vừa đưa đủa của Ba tôi cho tôi vừa nói:
-"Mình mời Ổng thì mời, chớ giờ nầy ổng đi đầu thai mất tiêu rồi, đâu có còn lẩn quâ ̉n ở đây mà làm gì!”
Ngày nào cũng như ngày nào, Má tôi cứ nhắc đến chuyện đi mua thứ ăn làm đám giổ cúng kiến ông bà, dù rằng Má tôi không nhớ ngày giổ của ai hay kẻ sống người thác trong đại gia đình họTrần - Đoàn - Lê - Nguyễn v..v....
Tám đời đã và đang sống trên một mảnh đất, dưới một mái nhà thì làm sao nhớ hết !!!!...Ngay cả mồ mã sau nhà, Má tôi cũng đem tên người cấm lên mộ người kia, chứng tỏ rằng trí nhớ đã bị mờ mịt rồi...
Một Hoa Hồng Tặng Mẹ, là một niềm vui...
Tôi được nhiều may mắn, tuy không sống gần Má tôi, nhưng tôi đã vung trồng được một vườn hoa nho nhỏ cho Má tôi, trong đó có nhiều loại hoa tỏa hương ngào ngạt, vì mắt Má tôi đã yếu, chi ̉ còn thính giác rất tốt mà thôi.
Hình ảnh thân thương nhất của Má tôi trong giai đoạn nầy là hàng ngày, bất cứ giờ giấc nào, khi rổi rảnh, Má tôi bưng cái rổ nhựa màu đỏ hoặc màu xanh, nhập cảng từ Trung Quốc, trong chiếc áo bà ba nâu hay đen sậm, chân không mang giày dép gì cả , Má tôi ra sân trước, sân sau, chung quanh nhà mồ, hái hoa.
Bà hái các loại hoa lài, hoa dành dành, hoa sứ, hoa nguyệt quế, hoa dạ lý hương, hoa hạnh, hoa bưởi, hoa trang, hoa huệ, hoa ngà voi, hoa giấy đủ màu đủ sắc ...
Má tôi bưng hai cái rổ đầy hoa, trông thấy mà nóng ruột, vì tôi thích nhìn hoa trên cành hơn ngắm hoa trong lọ.
Má tôi rất cẩn thận, tỉ mỉ cột hoa thành từng cụm nhỏ, xong đem phơi nắng. Bà sấp từng hàng rất ngay ngắn, châm chú làm việc, y như một tín đồ kính cẩn dâng hoa và khấn thầm trong lòng một điều gì đó.
Bà phơi hoa để làm gì?...Để làm trà! Ai uống? Chẳng ai uống cả. Má tôi gom góp hoa khô cho vào các bị thật to, cất khắp nơi, để dành xử dụng khi không đi chợ được!..Chỉ tội nghiệp cho vợ chồng cháu tôi phải đợi khi Má tôi đi ngủ, chúng nó lén lấy đem đi thủ tiêu dù cảm thấy lương tâm không cho phép...
Hết hoa ngày hôm trước, hôm sau hoa tiếp tục nở. Má tôi lại vui vẻ như đứa trẻ nhận quà. Bà chăm chú siêng năng hái hoa, với vẻ mặt thanh thản lạ thường. Bà hái từng cánh hoa, đôi khi hoa trên cành nhiều quá, Bà dừng tay ngắm nghía. Xong, Một tay Bà rung cho các cánh hoa rơi lả tả vào cái rổ đỏ hoặc xanh trên tay kia đang hứng. Nhìn những cánh hoa nguyệt quế trắng phếu lao chao rơi xuống mái tóc bạc của Má tôi hay nằm trên nền gạch đỏ thật là...một hình ảnh tuyệt vời cho bất cứ ai được chứng kiến...
Khi hết hoa, Má tôi hái lá. Bà đem phơi trên nền mộ, chung quanh nhà. Lá của cây nào được sấp xếp theo thứ tự lá cây đó, có hàng ngủ ngay ngắn. Nào là những lá tre, lá mận, lá sầu riêng, lá măng khục, lạ xoài, lá sabotier, la lecuma, lá vú sửa, lá bưởi, lá cam được trình bày y như một tiệm thuốc Nam....
Bà suốt ngày săn sóc những lá cây, di chuyển chúng nó theo ánh sáng mặt trời... Sau đó, tất cả được gói ghém cẩn thận thành từng bó một, lá nào theo lá nấy... Để làm chi???? Để phòng khi trời mưa có mà xử dụng..!!! Tuy rằng trong nhà đã đang xài điện hoặc gas từ lâu rồi....Má tôi vẫn ngày ngày tích lủy “củi”: Gần như đây là một sở thích duy nhất cuả Má tôi.
Đôi khi nhìn Má tôi đi lượm lá vàng rơi, hay hái lá đang xanh tươi trên cành, bất kể ngoài trời mưa hay nắng, nài nĩ không biết bao nhiêu lần, Bà vẫn không ngưng, thật là bực bội, lúc bấy giờ tôi chỉ biết tự an ủi rằng, ít ra Má tôi vẫn còn được khỏe mạnh và tự do hành độ̣ng theo ý muốn của bà.
Má tôi và Tôi xa cách nhau gần một phần tư thế kỹ trên phương diện pháp lý và thời gian, nhưng lối sống, phương tiện sống, tâm tư, suy nghiệm cách nhau hằng thế kỹ !!!
Thu Hương Sa MạcPHD Of Art / USA